Phật giáo 101 – Part 2 – Niệm chú

Sau khi hiểu hơn về Phật Giáo thì mình cùng đi vào chủ đề chính là niệm chú như thế nào nhé!

Thực ra niệm chú chỉ là một cách mình đặt tên topic thôi, chứ trong đó bao gồm ba khía cạnh là: Niệm phật, tụng kinh và niệm chú.

 1.Niệm phật

Niệm phật tức là chỉ đơn giản niệm Nam mô a di đà phật, có ba cách là:

  • Cao Thinh Trì: miệng niệm Nam mô A Di Đà Phật, cao giọng lúc trầm lúc bỗng, phá tan các tư tưởng vọng niệm.
  • Kim Cang Trị: niệm nhép miệng, không thành tiếng danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, làm cho các vọng niệm không sanh khởi
  • Mặc trì: niệm bằng ý, không nhép miệng, không thành tiếng, ý niệm Nam mô A Di Đà Phật, lúc nào cũng miên mật niệm Phật giữ gìn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân cho trong sạch không cho các vọng tưởng sanh khởi.

Nên niệm phật những lúc mình đang vội vã, không thể dành nhiều thời gian, hoặc tâm đang bất ổn, không bình tĩnh để tụng kinh, niệm chú, thì mình đơn giản là niệm phật để được bình tâm lại.

    2. Tụng kinh

Như trong phần 1 có nhắc đến, giáo lý nhà phật là Tam Tạng gồm luật tạng (giới luật cho tăng sĩ), luận tạng (chú giải, bình luận, giải thích kinh phật) và cuối cùng quan trọng nhất, cũng là cái hay được tụng nhất kinh tạng. Kinh phần lớn là các bài giảng của đức Phật hoặc của một trong những Đại đệ tử của Ngài. Tất cả những gì được ghi lại, ngay cả những gì không phải Phật đích thân thuyết, được xem là Phật ngôn, “lời Phật dạy”

Các kinh điển tiêu biểu là:

  • Bát nhã ba la mật đa kinh với câu kinh nổi tiếng trong Tây du kí “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”
  • Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
  • Tịnh Độ Kinh, trong đó có kinh A-di-đà là phổ biến nhất với câu kinh cốt yếu “nhất tâm bất loạn” để người tu tập khi chết đi được về Tây Phương cực lạc
  • Ngoài ra trong chùa phổ biến tụng nhiều bộ kinh khác như Phổ Môn, Dược Sư, Thủy Sám, Ðịa Tạng, Báo Ân, Lương Hoàn, Pháp Hoa

Tụng kinh thực ra là một phương pháp giúp truyền lại kiến thức qua lời nói vì thời xưa việc kiến thức lưu trữ trong sách vở chưa được phổ biến như bây giờ, để cho mọi người dễ nhỡ

 3. Niệm chú

Thần Chú là lời nói bí mật của chư Phật có thể gọi là Mật ngôn hay Phật ngôn, lời nói đặc biệt này chỉ có các đức Phật trong mười phương nghe biết mà nó không phải là thứ ngôn ngữ thường tình của các chúng sinh. Những ai muốn chư Phật, chư Bồ Tát trong mười phương gia hộ những khổ đau của cuộc đời chỉ cần hành trì Thần Chú được chỉ dẫn sẽ được chư Phật, chư Bồ Tát cứu giúp.

Chú của Phật Giáo gốc bằng Tiếng Phạn, chỉ có mật nghĩa và bao trùm nhiều nghĩa nên không thể được dịch ra nghĩa trong bất cứ ngôn ngữ nào. Ý nghĩa thật sự của các câu mật chú thật ra đều nằm trong sự liên hệ của tần số rung (vibration frequency) trong âm thanh của mỗi chữ trong câu chú, với tần số rung của những thể tối linh tương ứng luôn hiện hữu và bao trùm trong càn khôn vũ trụ.

Vì thế mình chỉ niệm chú bằng nguyên gốc tiếng Phạn.

Thần chú được sử dụng nhiều nhất đó là: Chú Lăng Nghiêm, Chú Đại Bi và Thập Chú.

  • Chú Lăng Nghiêm
  • Chú Đại Bi

Chú Đại Bi nằm trong Kinh Đại bi tâm đà la ni. Phật nói Chú đại bi là thần chú quảng đại viên mãn, thần chú vô ngại đại bi, thần chú cứu khổ. Trì chú đại bi thì diệt vô lượng tội, được vô lượng phước và chết thì sinh Cực Lạc. Thần chú này do Quan Thế Âm bồ tát nói.

Thực ra mình không quá quan tâm đến những mô tả trên, chỉ là lúc niệm chú mình thấy đầu óc tỉnh táo hơn, người thoải mái hơn. Hơn nữa mình cũng chưa ăn chay trường được nên cũng muốn niệm chú cho tiêu bớt nghiệp đi.

Lúc niệm chú thì người nên sạch sẽ, chỉnh trang, niệm chú to rõ vang để các âm chú đạt được tần số rung chính xác thì sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Không cần phải thuộc hết chú trong một lần mà mỗi ngày học vài câu và niệm dần dần sẽ nhớ. Nếu không thể học hết nổi thì chỉ cần nhớ ít nhất một câu đầu vì thường câu chú đầu tiên đã bao hàm nghĩa tất cả các câu chú còn lại.

Lúc mình mệt mỏi, lo lắng, hoặc đang gặp chuyện trắc trở có thể bật chú lên nghe, vừa là để bình tâm lại vừa là mong Bồ Tát và Phật phù hộ cho mình, mà nghe nhiều cũng nhanh thuộc hơn =)))

Thực ra để mà nói về chú trong Phật Giáo thì còn rất nhiều, sâu xa hơn về các góc độ tâm linh, khoa học nữa, nhưng thôi chắc để dành vào một ngày khác.

Mình vẫn phải tâm niệm rằng dù mình không theo phật, nhưng mình tích đức hướng thiện thì mình vẫn được duyên quả lành, còn dù có niệm chú nhưng làm nhiều việc ác vì vẫn sẽ nhận nghiệp. Niệm phật, tụng kinh hay niệm chú là con đường giúp mình tỉnh thức, làm việc có chánh niệm hơn mà thôi.

Trong bài viết tiếp theo thuộc series này mình sẽ chia sẻ cảm nhận của mình về quyển “Đường xưa mây trắng” của sư thầy Thích Nhất Hạnh viết về cuộc đời của Bụt, mời mọi người đón đọc!

Leave a comment