[Review] Cây Cam Ngọt Của Tôi – José Mauro de Vasconcelos

Cây cam ngọt của tôi kể về Zezé – một cậu bé 5 tuổi chuẩn bị lên 6, là đứa con áp út sinh ra trong một gia đình nghèo ở Brazil

Mở đầu câu chuyện, ta được giới thiệu với những trò đùa tinh quái của cậu bé, đến nỗi phải đặt câu hỏi sao lại có một đứa trẻ xấu xa đáng ghét như thế tồn tại trên đời cơ chứ! Nó lừa dối người lớn, chơi những trò nghịch dại ghê gớm, và quả là cái gai nhọn trong gia đình. Mình thầm nghĩ mình có đứa cháu như thế mình cũng đánh cho liểng xiểng.

Nhưng càng đọc sâu hơn ta lại bắt đầu tự hỏi:  

Tại sao Zezé chỉ xấu xa nghịch ngợm khi ở nhà?

Tại sao Zezé lại vẫn đối xử vô cùng tốt với chị gái Gloria và cậu em trai Luis?

Nếu một đứa trẻ thực sự xấu xa đến như thế, nó có thể bỏ học một ngày mỗi tuần đi theo một ông bán sách hát dạo để xin về những quyển lời bài hát cho chị gái?

Nếu một đứa trẻ thực sự xấu xa đến như thế, nó có thể đi hái trộm hoa cho cô vì cô là cô giáo duy nhất không có hoa trên mặt bàn, kể cả khi biết rằng có thể bị đánh no đòn?

Nếu một đứa trẻ thực sự xấu xa đến như  thế, nó có dám dắt đứa em đi hàng cây số một mình, khi mới 5 tuổi, để xin cho em một món đồ chơi miễn phí cho giáng sinh?

Vì những trăn trở này, mình cảm thấy thôi thúc phải viết lại những lời cầu cứu mà Zezé đã không thể nói với gia đình em.

Xin mắng đừng chửi con

Thật dễ dàng làm sao để tin vào cái ác của một con người. Chỉ cần bạn từng có vài hành động sai, người ta dễ quy chụp mọi sự xấu xa cho bạn. Mà lại còn là với một đứa trẻ! Dù có thông minh khôn lớn trước tuổi đến đâu, em vẫn là một tấm gương, soi chiếu lại những hành động của người lớn làm với em. Lý do khiến em liên tục gọi bản thân bằng những cái tên khiếp sợ, như “đứa con của quỷ”, “đồ chó chết”, đó là vì gia đình em đã gọi em như thế, mỗi ngày.

Điều này làm mình nhớ đến cuốn “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của bác Đặng Hoàng Giang, trong đó biết bao đứa trẻ, mà giờ đã trưởng thành, vẫn mang theo mình vằn vện những vết sẹo của tổn thương vì bị chính gia đình chì chiết, chửi bới khi còn nhỏ. Những lời mắng chửi tưởng chừng như vô hại, nhưng lại dần xây dựng một định nghĩa về chính bản thân chúng. Chúng tin rằng chúng chính là nhưng gì bố mẹ nói, và chúng sẽ không bao giờ có thể làm điều gì tốt đẹp.

Khi con hư nghịch, hãy mắng con, hãy chỉ dẫn cho con đâu là đúng sai và giải thích cho con, chứ không phải dùng những lời chửi bới, nhục mạ con.

Xin đánh đừng đập con

Bên cạnh bị tấn công về tinh thần, Zezé còn như một cái bao cát cho gia đình trút giận. Khi cái đói nghèo, cái khổ ám ảnh quá sâu sắc, con người đâm ra thù hằn, cay độc, nhưng lại không biết trút giận vào ai. Và thế là họ trút giận vào một đứa trẻ! Họ tìm cái cớ nhỏ nhất để đánh đập, chửi bới em thậm tệ. Rồi lại khóc lóc xin lỗi. Rồi lại tiếp tục vòng lặp như thế. Hóa ra lý do khiến Zezé vẫn đối xử vô cùng tốt với chị gái Gloria, đó là vì trong gia đình chỉ có Gloria là người duy nhất không đánh đập em. Cái sự dã man của người lớn, hòng cướp đoạt đi niềm tin vào tình người, tình thương yêu của một đứa trẻ, làm ta phải ghê sợ.  

Khi một đứa trẻ làm sai, một vài cái véo tai, cái vụt vào tay có thể uốn nắn nó, nhưng nếu như đó là hành động đấm vào mặt đến mức rụng răng, chảy máu, thì đó không phải uốn nắn, đó là tra tấn.

Con cũng chỉ muốn được yêu thương thôi mà

Zezé là một đứa trẻ thông minh và nhạy cảm hơn tuổi rất nhiều. Nhưng cũng như bao đứa trẻ khác em khao khát được yêu thương, vỗ về và ôm ấp. Khi không tìm được điều đó trong gia đình mình, em tự chữa lành bản thân bằng trí tưởng tượng tuyệt vời. Em coi cây cam ngọt sau nhà là một người bạn để em tâm sự mọi phiền muộn ưu tư. Em tưởng tượng bản thân mình vào vai những người khác, sống cuộc đời vơi bớt khổ đau.

Chỉ cho đến mãi sau, khi em gặp được người “bạn”, người thực sự thấu hiểu em, nhìn thấy khao khát tình yêu ẩn sau sự nghịch ngợm, phá hoại của em, em mới dần thay đổi, trở nên tốt hơn. 

Mình lại nhớ đến Harry Potter, cậu bé chưa từng được hưởng chút hơi ấm nào từ gia đình Dursley, vì vậy cậu khao khát được trở thành một phần của gia đình cậu bạn thân Weasley. Và cậu đa vui sướng biết bao khi biết rằng cậu có một người cha đỡ đầu sẵn sàng đón cậu đến ở cùng!

Thế đó, bạn là một anh hùng của cả giới phù thủy từ năm 1 tuổi, nhưng là một đứa trẻ, một con người, bạn vẫn khao khát tình yêu thương.

Tình yêu có thể thiếu vắng ở gia đình giàu có và nghèo khó như nhau. Dù có thể cho con bạc vàng nhưng lại không thể lắng nghe, thấu hiểu, bày tỏ tình yêu với con, thì đứa trẻ đó vẫn bất hạnh vô cùng.

Lời kết

Cuốn sách này đối với mình, bên cạnh là minh chứng về tầm quan trọng của gia đình trong giáo dục trẻ thơ, còn là lời ngợi ca trí tưởng tượng và khả năng tự chữa lành kì diệu của các em.

Mình tin rằng như Zezé, ai cũng có một cây cam ngọt của riêng mình. Nếu bạn đã trưởng thành, cây cam đó có thể đã trở thành một phần cất giấu trong tim bạn.

Nếu như có bất cứ khi nào bạn nghĩ rằng, mình không xứng đáng được sinh ra trên đời này, hay tự hỏi ý nghĩa của cuộc đời bạn là gì, đừng quên rằng, vẫn có một cây cam ngọt, đang ở đâu đó, chờ bạn tưới tăm, chăm sóc.

Vì ai cũng xứng đáng được yêu thương.

an nhi

14.05.2021 (dành tặng sinh nhật tuổi 21)

4 thoughts on “[Review] Cây Cam Ngọt Của Tôi – José Mauro de Vasconcelos

  1. Cảm ơn bạn vì đã giúp mình biết đến cuốn truyện vô cùng sâu sắc và cảm động này. Cái vibe trong trong truyện làm mình nghĩ ngay tới anime “Kotaro lives alone” trên Netflix, nhân vật chính cũng là một cậu bé 4 tuổi rất thông minh, nhạy cảm nhưng ba mẹ em không hạnh phúc với nhau và em cũng không được yêu thương theo đúng cái cách mà một đứa trẻ nên có.

    Mình không nghĩ gia đình xem Zezé như một bao cát để trút giận, mà là họ không biết làm thế nào để ngăn cản những trò nghịch phá của cậu bé, nói cách khác là họ không hiểu Zezé đang cần gì và muốn gì. Ngay cả Zezé cũng tự ý thức được tính nghiêm trọng của những trò tinh quái của mình, em không muốn hại những người hàng xóm tốt bụng, nhưng em không tự dừng được, vì đó là cách duy nhất để em nhận được sự quan tâm từ gia đình. Em muốn mọi người bỏ hết công việc để kéo nhau đi tìm em, mặc dù chỉ để cho em no đòn sau khi tìm thấy.
    Mình tin rằng trong những lần nghịch ngợm đầu tiên của Zezé, gia đình đã cố gắng dạy em rằng “Con không được làm như vậy… như vậy là xấu… ông A, cô B không thích như vậy…” nhưng mà sau đó em vẫn chứng nào tật nấy, vì em không mất dạy, em chỉ mất đi sự yêu thương che chở của mẹ do mẹ em phải đi làm cả tuần. Thật không may rằng ngôn ngữ yêu thương của cha em đa phần là sự nghiêm khắc và những trận đòn roi, chắc cũng không dễ dàng gì để trao đi sự yêu thương trìu mến khi mà Zezé (và cả những đứa con khác) làm ông cảm thấy đau đớn khi nhớ tới tình trạng nghèo hèn và bất lực của bản thân. Tóm lại, mình thấy mọi nhân vật trong truyện đều đáng thương hơn là đáng trách.

    Like

Leave a comment