Phật giáo 101 – Part 1

Disclaimer: đây chỉ là những tìm hiểu cá nhân thông qua đọc tài liệu, sách báo và tự trải nghiệm, nên mọi người cởi mở và góp ý nha.

Einstein đã từng nhận xét về Phật Giáo như thế này:

“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó… Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình theo xu hướng khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học… Tôi là một người không tôn giáo. Nhưng nếu có Tôn giáo thì Tôi phải là một Phật tử. Vì những gì Tôi hiểu biết bây giờ thì mấy ngàn năm qua Kinh Phật đã nói hết rồi.”

Vậy rốt cục Phật giáo có gì cao siêu đến vậy?

Vắn tắt về lịch sử Phật Giáo

Phật Giáo ra đời đã ngót nghét gần 3000 năm, khởi sinh ở vùng đông bắc Ấn Độ xưa, nay nằm giữa cả Ấn Độ, Nepal và Bhutan. Cũng như trong kinh thánh có chúa Jesus thì Phật Giáo có Siddhārtha Gautama (Tất-đạt-đa Cồ-đàm), hay thường được biết đến là Phật Thích Ca. Việc Tất-đạt-đa Cồ-đàm là người đầu tiên giảng dạy các giáo lý nhà Phật, là điều đã được chứng minh trong kinh điển và các tài liệu khảo cổ. Mình rất khuyến khích mọi người tự đọc thêm về sự tích Phật Thích Ca.

Phật Giáo chia ra làm 3 hệ tư tưởng chính:

  • Phật Giáo Nguyên thủy hay còn gọi là Phật Giáo Nam Tông, Phật Giáo Tiểu Thừa, được coi là hệ tư tưởng còn giữ được gần gũi nhất với các giáo lý gốc của nhà Phật, phát triển nhất ở Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia)
  • Phật Giáo Phát Triển hay còn gọi là Phật Giáo Bắc Tông, Phật Giáo Đại Thừa thịnh hành nhất ở Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản)
  • Phật Giáo Chân Ngôn hay còn gọi là Phật Giáo Mật Tông, tọa lạc chủ yếu ở Tây Tạng, Bhutan

Giáo pháp Phật Giáo được tổng hợp trong Tam Tạng gồm: Kinh Tạng, Luật Tạng, Luận Tạng, theo thứ tự ra đời.

Cơ sở tư tưởng cốt lõi của Phật pháp là Tứ thánh đế, tức bốn chân lý giải thích bản chất sự khổ trong luân hồi, sự đau khổ đến từ đâu, và cách giải trừ khổ đau thông qua Bát chính đạo. Bát chính đạo lại bao gồm 3 trụ cốt chính là Trí tuệ – Đạo đức – Thiền định. Trong trí tuệ khuyên con người phải có hiểu biết, và suy nghĩ hướng đến từ bỏ mọi chấp trước, trong đạo đức khuyên con người phải nói lời chân chính, không làm việc ác như sát sanh trộm cắp, phải có nghề nghiệp chân chính, nỗ lực làm việc thiện, trong thiền định khuyên con người làm chủ thân tâm mình, sống tỉnh thức. Túm lại là khuyên con người sống tích đức, hướng thiện và có ý thức.

Khái niệm quan trọng nhất của Phật giáo không gì khác hơn là Nhân Quả và Luân Hồi. Phật giáo giải thích rằng, mọi việc xảy ra, đều không phải do ngẫu nhiên, mà là quả của một nhân đã có từ trước, có thể trong kiếp này, kiếp trước hoặc rất nhiều kiếp trước nữa. Không có bất kì hành động nào được thực hiện (nhân) mà không dẫn đến một kết cục (quả), cũng như không có quả táo nào được ném lên không trung mà không rơi lại xuống đất. Đương nhiên tương tác nhân quả này diễn ra rất phức tạp, không chỉ bị ảnh hưởng bởi nghiệp một cá nhân (biệt nghiệp) mà còn cả cộng đồng cùng sinh sống (cộng nghiệp), ta hay gọi là trùng trùng duyên khởi. Có những đứa trẻ vừa sinh ra đã phải chịu nhiều khổ đau, dù nó chưa làm gì trong kiếp này, đó là bởi vì nó chịu ảnh hưởng của luật luân hồi. Chết chỉ là sự dừng lại của thân xác trong một kiếp, chứ tâm thức con người sẽ lại đi vào vòng luân hồi để được chuyển tiếp sang một thân xác mới, giữa các thế giới (cõi súc sinh, cõi người, cõi a-tu-la, cõi trời). Nhà Phật cho rằng, còn luân hồi là còn chưa hết khổ đau, vì vậy cách giải thoát duy nhất là đoạn diệt các nguyên nhân dẫn dắt đến luân hồi, như vậy cũng không còn nhân quả nữa.

VÌ SAO NÓI PHẬT GIÁO ĐI TRƯỚC KHOA HỌC VÀ TẤT CẢ TÔN GIÁO KHÁC?

Phật trong tiếng Phạn là Buddha, Bud là giác (nhận biết, nhận thức), dha là người, tức Phật là người tỉnh thức. Giải nghĩa trên đã nhấn mạnh một tư tưởng vô cùng quan trọng của đạo Phật và làm nó khác với các tôn giáo khác, đó là, Phật giáo sơ khởi duy lý và VÔ THẦN. Tức là ai cũng có thể thành Phật, khi đã đạt được nhận thức đúng đắn về bản ngã và thế giới xung quanh. Không giống với chúa Jesus là Thượng Đế của tín đồ Công Giáo, hay Allah của tín đồ Hồi Giáo, trong Phật giáo, không có ai giữ vị trí tối cao độc tôn cai quản cõi người cả. Chính Phật cũng đã khẳng định “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Khi Công giáo có Giáo Hoàng, đạo Hồi có Khalip, thì Phật Giáo không có người đứng đầu để chỉ đạo toàn bộ tín đồ, tất cả đều là sự tự giác thực hành theo giáo lý nhà Phật.

Trong khi, các tôn giáo độc thần cho rằng đấng tối cao của họ là vĩnh hằng, bất biến và sáng tạo ra vạn vật, cho rằng đấng tối cao đó không sinh ra từ đâu mà đã có khi vạn vật chưa tồn tại thì Phật giáo thì cho rằng mọi sự vật, hiện tượng (trừ cõi Niết Bàn) đều là vô thường, không thể tồn tại vĩnh hằng, có sinh thì phải có diệt. Duyên khởi thì sinh, duyên tận thì diệt. Ngay cả không gian, thời gian, các hành tinh và cả vũ trụ cũng vậy, cũng có khởi đầu, biến đổi và cuối cùng là kết thúc. Trong Kinh Khởi thế nhân bổn, Phật thuyết giảng rằng đã có vô số các thế giới giống như Trái Đất từng được hình thành, phát triển rồi bị hủy diệt trong quá khứ, và tương lai cũng sẽ có vô số các thế giới sinh ra rồi hủy diệt như vậy (ngày nay, khoa học hiện đại đã chứng minh được rằng Mặt trời sẽ tàn lụi sau khoảng 5 tỷ năm nữa, Trái Đất cũng theo đó mà bị hủy diệt)

Nhiều tôn giáo khác cho rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ, là nơi được Thượng đế ưu ái nhất. Nhưng Đạo Phật thì cho rằng Trái Đất chỉ là một trong muôn vàn các thế giới cùng tồn tại, mỗi thế giới lại có những đặc điểm khác nhau, thế giới mà chúng ta đang sống chỉ giống như một hạt cát trong vũ trụ. Phật Thích Ca nói rằng: ông chỉ là vị Phật truyền đạo trong cõi Ta Bà (tên gọi Trái Đất trong Phật giáo) mà thôi, chứ thực ra còn có vô số các cõi thế giới khác nữa.

Phật giáo có khái niệm Tiểu thiên thế giới (1 ngàn hành tinh), Trung thiên thế giới (1 triệu hành tinh), đại thiên thế giới (1 tỷ hành tinh), Tam thiên đại thiên thế giới (3 nghìn tỷ hành tinh). Đức Phật nói vũ trụ này lại có “vô số Tam thiên đại thiên thế giới”, tức là số lượng các thế giới khác nhau gần như là vô hạn. Phật Thích Ca từng nói: “Trên vũ trụ này còn vô số những thế giới khác, trong một ly nước cũng có vô số những con trùng trong đó”. Đối chiếu theo quan điểm khoa học hiện đại, thì “Tam thiên đại thiên thế giới” chính là tương ứng với một thiên hà, còn những con trùng trong bát nước chính là vi khuẩn, và quả thực là trong vũ trụ có vô số thiên hà, cũng như trong 1 ly nước có vô số vi khuẩn.

Một vài tôn giáo khác coi loài người là sinh vật tối thượng. Còn Phật giáo quan niệm “chúng sinh là bình đẳng“, loài người (nhân giới) cũng chỉ là một kiếp sống như các loài sinh vật khác (súc sinh giới, a-tu-la giới, thiên giới), loài người cũng không phải là tối thượng (loài người kém hơn các “chư Thiên” về sức mạnh và trí tuệ). Song dù là loài người, “chư Thiên” hay súc sinh thì cũng đều là sinh vật, phải chịu quy luật Nhân quả (làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác), không sinh vật nào là vĩnh cửu mà đều phải có lúc chết, lúc chết thì sẽ luân hồi sang kiếp sống khác, kiếp sau như thế nào thì phải tùy vào việc làm nhiều thiện nghiệp hay ác nghiệp.

Đối chiếu theo quan điểm khoa học hiện đại, có thể coi các “chư Thiên” mà Phật giáo nói tới chính là những nền văn minh ngoài Trái Đất có trình độ cao hơn hẳn so với loài người.

Phật giáo không ép buộc hay khuyến khích thờ cúng bất kỳ ai. Phật dạy, Phật là ở trong tâm, không cần phải đi đến chùa chiền, hay xây cất tượng phật to lớn mới được gặp Phật.

Khi du nhập sâu vào đời sống quần chúng nhân dân, đạo Phật đã bị cải biên rất nhiều, đến nỗi chùa chiền trở thành một công cụ để kinh doanh chứ không còn để giải thoát chúng sinh nữa. Nhiều lúc chúng ta đi chùa, gặp tượng nào cũng “Nam mô a di đà phật, xin cho con đỗ trường A, cuộc thi B, công ty C” mà không biết rằng sự hiện diện của Phật chính là muốn chúng ta giác ngộ, từ bỏ những tham muốn sân si đó. Hơn nữa không phải tượng nào cũng là tượng phật A Di Đà.

Nếu muốn đời sống tốt thì phải tích đức, làm việc thiện, cứu đời, chứ đừng mua lễ to đến xin Phật. Nếu có một điều gì đi chùa có thể xin, thì đó là xin sự thông tuệ, không phải để giải đề thi tốt hơn =))) mà là không bị bụi trần làm che mất hạt nhân Phật trong mỗi chúng sinh.

Bài này là tổng hợp của Wikipedia, các blog và sách về tôn giáo mình đã từng đọc, hy vọng sẽ giúp mọi người có một góc nhìn mới về phật giáo. Tiếp tục trong series Phật giáo 101 này, mình sẽ viết một bài chia sẻ về Niệm phật, tụng kinh, và niệm chú, mời mọi người đón đọc!

Trước khi sang part 2 tặng mọi người một vid mình hay nghe https://youtu.be/SBiwLibZqfw

One thought on “Phật giáo 101 – Part 1

Leave a comment