5 Lessons I’ve learned before turning 20s

unnamed

“Con sâu bò cả ngày có thể đi được 1 mét, nếu trước khi chết nó muốn đi được 10 kilomet thì phải làm thế nào đây? Phải gồng mình mà bò quyết liệt hơn? Không phải vậy. Phải reset. Phải biến thành bướm và vỗ cánh bay đi.”

Đây là lời trích trong “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu”, món quà mình được một người chị mình rất quý tặng nhân dịp sinh nhật tuổi 20.

Quyển sách nhỏ bé như vậy, nhưng đã giải đáp tất cả những nỗi băn khoăn của mình khi bước vào một giai đoạn mới trong đời, mà mình tin là cũng rất nhiều bạn đang gặp phải.  Đây là 5 bài học từ quyển sách mình xin dành tặng cho bản thân và các bạn, những chàng trai, cô gái 20+. Mong bạn tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của mình ở chốn này.

1.Peer pressure và nỗi sợ là người chạy cuối cùng

Ở trong môi trường nhiều người giỏi như trường mình, sẽ nhiều lúc thấy áp lực đến tuyệt vọng, vì có những bạn bằng tuổi mình mà đã dễ dàng đạt được những thành tích rất xịn, trong khi mình cứ cày cấy mãi mà không thấy ngày thu hoạch. Bởi vì hiện thực cuộc đời mình giống như cây “mao trúc”, từ lúc rơi xuống đất chỉ mọc lên một cây măng nhỏ rồi không suy chuyển gì suốt 5 năm. Thế nhưng từ cuối năm thứ 5 đột nhiên cây lớn vọt lên vài chục cm mỗi ngày cho đến khi đạt chiều cao gần 25 mét. Nhìn bề ngoài, có thể bạn đang không kiếm được nhiều tiền bằng bạn bè, nhưng thực ra bạn chỉ đang cần mẫn chuẩn bị cho cú nhảy vọt của mình.

Thế nên mỗi khi thấy áp lực vì mình đang chạy chậm lại so với bạn bè, hãy nhớ rằng, mình là cây mao trúc, mình là chú rùa xanh. Chú rùa đi chậm nhưng sống hàng trăm năm, còn loài thỏ chạy nhanh thoăn thoắt chỉ có tuổi thọ 1-2 năm mà thôi. Đừng hoang mang, cũng đừng bỏ cuộc giữa chừng bạn nhé!

2. Là công việc hay là tiền?

Mình cho rằng tiền dù không phải thứ quan trọng nhất, nhưng vẫn là thứ rất quan trọng, vậy thì tại sao mình phải chấp nhận làm thực tập sinh không lương hoặc lương thấp không đủ trả tiền xăng? Đây dường như là băn khoăn của tất cả sinh viên, đặc biệt là sinh viên trường kinh tế. Chúng ta bị giằng xé giữa công việc mức lương hấp dẫn nhưng ít cơ hội học hỏi và công việc có vẻ hay ho nhưng lại trả quá bèo.  Tác giả Rando Kim đã trả lời:

“Thực ra điều có thể khiến em hài lòng và hạnh phúc không phải là tiền, cũng không phải là thăng tiến hay sự công nhận của người khác, mà chính là sự “trưởng thành”.”

Nghe có vẻ không liên quan, nhưng thực ra ngẫm lại việc thú vị nhất trong cuộc sống của mình chính là trưởng thành. Ví như việc chúng ta thích chơi game, chính là vì game được thiết kế theo level, mình càng chơi thì mình sẽ có level càng cao, tức là trong game mình càng trưởng thành nên mình càng muốn chơi tiếp.

Điều này càng quan trọng trong công việc. Công việc đầu đời của chúng mình có thể lương không cao, nhưng mình nhất định phải học hỏi thêm được nhiều điều từ đó. Như mẹ mình thường nói, mình còn cả đời để làm việc vì tiền, còn bây giờ khi còn cơ hội làm công việc giúp mình trưởng thành hơn, thì đừng tính toán chi nữa, hãy chọn nó đi.

“Hãy dùng công ty như một công cụ để trưởng thành chứ không phải một phương tiện để lo sinh kế.” Khi bạn đã trưởng thành rồi, tiền sẽ tự đến với bạn.

3. Sinh nhật tuổi 50 của mẹ, sếp gọi đi đàm phán một hợp đồng quan trọng và người yêu hẹn đi nói chuyện nếu không sẽ chia tay, đi đâu đây?

“Gia đình”, “Công việc, “Bản thân”, bạn hãy thử xếp thứ tự ưu tiên 3 công việc này trong cuộc sống hiện tại của bạn. Có ai có thể tự tin nói mình vừa có thể đi học đều đặn kì nào cũng giật học bổng, còn đi làm thêm kiếm kinh nghiệm, nhưng vẫn thường xuyên về chơi với bố mẹ và có thời gian yêu đương. Người như thế có, nhưng mình chưa gặp bao giờ.

Với phần lớn chúng mình cuộc đời chính là cuộc tung hứng bất tận với những quả bóng mang tên “công việc”, “gia đình”, “bản thân” và các yếu tố khác.

“Trong tung hứng điều quan trọng nhất không phải tung hết những quả bóng khác đi và chỉ giữ chặt lấy một quả, cũng không phải chụp lấy tất cả các quả bóng cùng một lúc, mà là phải buông bóng khỏi tay đúng lúc để giữ thế cân bằng.”

Đừng tham vọng phải đạt được tất cả mọi thứ cùng một lúc, vì thường kết cục sẽ luôn có một thứ mình phải đem ra đánh đổi, mà chủ yếu là đánh đổi sức khỏe, cả về tinh thần lần thể chất.

Thực ra tùy vào mỗi người, nhưng theo mình, tuổi 20 quan trọng nhất chính là “bản thân”. Không phải nói bạn hãy sống ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến mình. “Bản thân” ở đây tức là đầu tư vào sự trưởng thành cho mình. Bài học quan trọng này, đáng tiếc, lại không có một trường nào dạy. Cách nhanh nhất để trưởng thành là lao vào đời, làm thử và làm sai, để bị đời quật cho đến khi khôn lớn.

Nhưng có một cách khác, chính là đọc sách. Không phải ai hay đọc sách thì là lũ mọt sách không hiểu thực tế. Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffet, đều là người đọc sách. Không chỉ đọc sách về công việc, mà họ còn đọc tiểu thuyết (tình cảm hẳn hoi) và đọc sách về tâm linh (như Steve Jobs đọc tự truyện của một Yogi để tìm ra chân lí của đời mình)

Học là việc phải làm cả đời, nhưng nếu trẻ không học thì già sẽ học không nổi. Nếu có một thứ gì mình nên tận dụng của tuổi trẻ, thì đó chính là khả năng học và tiếp thu cái mới. Không có tiền đi học thêm thì tự học, mạng Internet bây giờ rẻ lắm rồi, học lấy 2 ngoại ngữ nữa, để có muốn cũng không thất nghiệp nổi nhé.

4. Ngăn kéo của những đam mê bị giấu kín

Vì có quá nhiều việc phải cân bằng trong cuộc sống, mà nhiều khi chúng mình cất hết những sở thích mới chớm nở vào một ngăn kéo sâu trong chiếc tủ của sự lãng quên. Dự định học một ngôn ngữ mới, học một nhạc cụ mới, dự định đi du lịch một mình lần đầu trong đời, cứ lần lượt bị xếp ra sau những việc cấp thiết khác, cho đến khi nhớ ra, thì đã muộn mất rồi.

Nếu bạn đã thử làm một việc mình luôn muốn làm, như học đánh guitar chẳng hạn, để nhận ra là mình không có năng khiếu lắm nên bỏ, thì rồi bạn cũng sẽ quên đi sở thích trẻ con ấy. Nhưng nếu như bạn không dám thử một lần, nó sẽ trở thành nỗi canh cánh khôn nguôi trong lòng bạn, thành những lời “biết đâu…”, “có khi…”. Hãy tin rằng thời điểm thích hợp nhất cho mọi việc, chính là ngay lập tức, ngay bây giờ. Đừng để bản thân hối hận vì những việc mình đã không làm, vì tuổi trẻ là một dòng sông không bao giờ chảy ngược.

“Bạn hãy thử mở ngăn kéo lòng mình. Bên trong đó có những gì? Những giấc mộng thanh xuân chất chồng lần lữa vẫn còn trong đó chứ? Những giấc mơ đó chưa nguội lạnh phải không?”

 

5/ Nguyên lý Henrich và định lý ai bị bệnh sẽ trường thọ

Nguyên lý Henrich 1:29:300 tức cứ 1 người bị thương nặng thì theo thống kê trước đó đã có 29 người bị thương nhẹ với cùng nguyên nhân và 300 người khác tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Nhưng trong cuộc sống nó thường được áp dụng ngược, tức là mọi người thường cho rằng, việc này tôi đã làm 300 lần rồi, không có việc gì đâu, thậm chí nếu có việc gì thì tới 29 lần là sự cố không đáng kể nên tôi không sợ.

Chắc tuổi trẻ ai cũng từng như vậy, hay vẫn đang như vậy, thức đến 2 3h sáng vì một bộ phim, hôm sau thì gục đầu ngủ đến vẹo người trên giảng đường. Làm mãi như thế mà vẫn không sao nên dần dần hết thấy sợ nữa.

Đúng hôm sinh nhật mình dẫn bác đi khám bệnh. Ở viện mình ngồi cạnh một cô, khám u não, u tuyến giáp, viêm khớp, chuẩn bị xét nghiệm cho u máu nữa. Cô đi một mình, lê thê hết từ phòng này sang phòng khác, ăn cốc cháo trắng 10k của bệnh viên mà không nuốt nổi.

Mọi đau khổ đều đến từ sự tham lam, tham ăn, tham làm, tham tiền, mà không biết điểm dừng, không biết thương mình. Chỉ đến khi tai nạn lần thứ 30 xảy ra, thì đã không còn là một căn bệnh nhẹ nữa, mà ta hối tiếc đã chẳng kịp.

Đọc đến dòng này, mong bạn tắt điện thoại, tắt màn hình máy tính, chỉ 5 giây thôi, để thở với mình. Vì đã lâu lắm rồi, chúng mình không thở, chỉ để được thở.

“Waking up this morning, I smile. Twenty-four brand new hours are before me. I vow to live fully in each moment and to look at all beings with eyes of compassion.”
― Thich Nhat Hanh

 

2 thoughts on “5 Lessons I’ve learned before turning 20s

Leave a comment