VÌ SAO MÌNH KHÔNG ĐI XEM BÓI NỮA?

buddha

Một chuyến hành trình trả lời một câu hỏi khó bằng một câu hỏi khó hơn, và đây là câu trả lời của mình. 


Có một điều thú vị là, khi xã hội ngày càng hiện đại, thì con người lại càng đặt nhiều niềm tin hơn vào những công cụ tâm linh của cả hai nền văn hóa Á Âu. Nên mình ít ngạc nhiên hơn, mỗi khi đến mùa bầu cử ban chủ tịch của các câu lạc bộ, thậm chí tổ chức sinh viên quốc tế mình tham gia, lại đến mùa mọi người nô nức đi xem bói bài tarot, xem chỉ tay, để biết sắp tới có thể “lên chức” hay không?

Đương nhiên, hầu hết trên đây chỉ là những cuộc xem vui vui, mọi người không quá đặt nặng vấn đề đúng sai gì cả. Nhưng bản thân mình lại có một trải nghiệm không “vui vui” cho lắm, đó là có một lần mình được một “thầy” có tiếng “hữu duyên” xem chỉ tay và xem tướng cho. “Thầy” cứ xem mãi, mà hỏi đến cái gì, cũng chỉ một chữ xấu, hoặc là hai chữ rất xấu. “Thầy” nói mình không thể thăng tiến trong công việc, cũng lấy phải một người chồng rất tệ, chẳng dựa dẫm gì được vào bố mẹ, không có cả số xuất ngoại luôn. Điều tích cực duy nhất là, có vẻ mình còn sống rất lâu để “hưởng thụ” những trải nghiệm trên.

Dù biết rõ ràng có rất nhiều điều “thầy” “phán” chỉ đơn giản dựa trên gia cảnh nghề nghiệp của bố mẹ mình (và sai), nhưng mình vẫn rất buồn vì bản thân mình có tin vào tướng số, chiêm tinh học và chỉ tay. Dù người ta có nói sai nhiều thì số mình cũng phải có khổ thì mới ra được như vậy.

Mình đặt ra câu hỏi nếu như mỗi người sinh ra đều đã định sẵn một số mệnh, vậy thì mục đích của sự sống là gì? Chẳng lẽ con người chỉ là những diễn viên trên sàn diễn là cuộc đời và kịch bản là những vì sao ở cách trái đất hàng triệu năm ánh sáng?

Thật may là, có nhiều người cũng đã từng có trăn trở giống mình, hoặc hiểu về bản chất của nỗi trăn trở đó, để giúp mình (và bạn) giải đáp nỗi băn khoăn này. Hy vọng rằng, những kiến giải nhỏ hẹp mình tích lũy được dưới đây, sẽ phần nào giúp chúng mình vơi bớt sợ hãi với sự vô minh của sự sống hơn, bạn nhé.


Chuyện là, có một chàng trai từ khi còn trẻ tuổi đã được nhà chiêm tinh của gia đình phán bảo rằng mình sẽ phải lấy vợ ba lần, hai lần góa vợ. Tưởng tượng ở độ tuổi trẻ như thế mà phải nghe lời tuyên phán ác nghiệt ấy, cảm xúc của chàng trai đó như thế nào?

Và quả đúng là ba lần trước khi đến tuổi trưởng thành, gia đình đã cố sắp xếp hôn sự cho chàng trai ấy, nhưng chàng một lòng kiên quyết đi theo Thượng đế, và không có bất kì một cuộc hôn nhân nào đến khi qua đời. Chàng trai đó chính là Pramahansa Yogananda, người đã viết lên cuốn “Tự truyện của một Yogi”, cuốn sách “gối đầu giường” của Steve Jobs. Thầy còn nhờ các chiêm tinh gia chọn ra những vận xấu nhất của mình, nhưng cả khi đã biết mọi sự có thể không như ý, thầy vẫn hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào thầy đặt ra cho bản thân . Và dù thành công trong những giai đoạn đó của thầy luôn bắt đầu bằng những khó khăn vô cùng, xác tín của thầy vẫn luôn được chứng minh là đúng đắn.

Câu chuyện nhỏ này, thực ra lại bao hàm tất cả quan điểm mình muốn nói về tướng số tiếp theo đây, nhưng được nhìn rộng ra trong nhiều tôn giáo và thực tế với số đông chúng mình hơn. Vì đâu phải ai cũng theo đạo, cũng tôn thờ một thần thánh nào đúng không? Làm sao để chúng mình đạt được an lạc nội tâm khi mà vẫn chu toàn việc đời nhỉ?

Muốn vậy, mình cần tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc của số mệnh.


Nếu tin vào thuyết tiền định, cho rằng mọi chuyện đều đã được một “đấng trên cao” đặt ra như thế và không thay đổi được, thì mục đích sống của con người, hay bản thân tôn giáo với những hướng dẫn tu tập để giải thoát đều trở nên vô nghĩa. Vậy nên Ấn giáo, Phật Giáo, Đạo giáo đều chỉ ra rằng con người có nhiều kiếp sống, cái chết không phải đích đến cuối cùng, và số mệnh là bài toán có nhiều hơn một lời giải.

Phật giáo thì giải thích nguồn gốc số mệnh bằng nhân quả, luân hồi. Kinh Phật ghi rằng: “Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt”, nghe có giống định luật bảo toàn năng lượng không nhỉ? Thực ra bản chất khoa học hay tôn giáo, đều là đi giải thích nguyên lý hoạt động của vũ trụ mà thôi. Như vậy, qua vô lượng kiếp sống, loài người đã gieo rất nhiều “nhân” qua những hành động trong quá khứ của mình, và nhận lại quả như là số mệnh của họ trong các kiếp sống tiếp theo. Hay nói cách khác, không có bàn tay “thượng đế” nào ở đây cả, mà chính chúng ta, mới là người đã viết nên tương lai của mình.

Đã biết số mệnh đến từ đâu, nhưng kiếp trước thì đã qua, để thay đổi trong kiếp này cùng không hề dễ dàng.

Vì thế, mình đi tìm con đường để thay đổi.


Trong “Muôn kiếp nhân sinh”, tác phẩm đầu tiên không-phải-phóng-tác của tác giả Nguyên Phong, đã phân tích rất chi tiết lối sống giúp con người tránh được vòng xoay của vận mệnh, đó là Karma Yoga (con đường hành động).

Karma Yoga chỉ ra rằng, mục đích của luân hồi chính là để con người học được những bài học họ cần học ở mỗi kiếp sống khác nhau. Trong quá trình đó, con người dễ mắc phải một trong hai lỗi sai.

Đầu tiên là Sự bất động (tamas), nó sai khiến con người không làm gì cả, lười biếng, u mê. Những người này  có mức tiến hóa rất thấp và tiến bộ rất chậm, phải mất thời gian rất lâu để học hỏi. Thậm chí họ phải chuyển kiếp thành loài súc sinh, để học lại những bài học mình đã quên ở kiếp trước.

Lỗi sai thứ hai, ngược lại với sự bất động là Sự hoạt động (rajas), tạo ra ham muốn, dục vọng thúc đẩy con người hành động. Lòng tham tạo ra những khí lực dồi dào, hung hăng khiến con người lao vào nhiều hoạt động để thỏa mãn sự đòi hỏi. Họ sẽ đi tìm những thứ bên ngoài, thu thập vơ vét, gom góp, tích trữ cho thật nhiều vì nghĩ rằng họ sẽ sung sướng hơn với những thứ vật chất đó. Mà tất cả những người tham lam và ích kỉ đều phải học bài học về sự đau khổ.

Điều này lý giải tại sao hiện nay trên khắp thế giới, tỷ lệ người mắc các bệnh về thần kinh – lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, cũng như bệnh nan y, đau tim, đột quỵ, ung thư ngày càng nhiều. Khi đối diện với cái chết, con người bàng hoàng, đau khổ nhận ra tiền bạc, của cải, danh vọng không giúp họ sống mãi và mang theo sau khi chết, nên họ học được bài học của họ ở kiếp này. Rằng họ sẽ không bao giở thỏa mãn với của cải vật chất.

Con đường Karma Yoga dạy cho con người hoạt động chứ không ngồi im hay tránh né. Không phải cứ từ bỏ đời sống thành thị để vào rừng sâu hay từ bỏ tài sản vật chất có thể đổi lấy sự an lạc tinh thần. Chỉ thông qua hành động mới có thể học hỏi, thay đổi, để trở nên tốt đẹp, hoàn thiện hơn. Bạn có thể sống ở thành thị như mọi người nhưng phải biết cách thoát ra khỏi màn sương ảo ảnh của sự vô minh. Bạn vẫn làm việc như mọi người, hành động như mọi người, nhưng từ trong tâm đã biết xả ly, dứt bỏ mọi ràng buộc. Bạn không từ chối bổn phận của mình trong gia đình hay trong xã hội, nhưng bạn hành động với mục đích khác. Bạn có thể giàu có, tài sản đầy nhà nhưng họ không thiết tha với nó mà coi mình như là người được ủy thác quản lý tài sản chứ không phải là chủ nhân. Bạn làm việc để giúp đời chứ không phải thu vén lợi ích cho riêng mình.

Khi biết thản nhiên với thành công cũng như thất bại, trong lúc vui cũng như buồn, trong khi vinh cũng như nhục, trong tình thương cũng như oán hận, thì bạn có thể đạt đến trạng thái quân bình, không bất động (tamas) và cũng không náo động (rajas).

Ai làm được như thế sẽ không còn bị chịu ảnh hưởng bởi tác động của nhân quả luân hồi nữa.

Tư tưởng này thực ra rất giống với tư tưởng “Vô vi” của Lão Tử. Vô vi không phải không làm gì cả, mà thực sự là “vi nhi vô bất vi” nghĩa là “không làm mà không có gì là không làm, làm một cách hết sức tự nhiên và kín đáo, giúp một cách tự nhiên không tư tâm, không vị kỉ, người thi ân không biết là thi ân, người thọ ân không dè là thọ ân.” (Lão Tử tinh hoa – Thu Giang Nguyễn Duy Cần)

Tựu chung lại, hướng đi cho chúng mình, không phải là lên núi lánh đời, hay vào chùa đi tu (mà làm vậy cũng được chứ sao nhỉ), chúng mình vẫn làm hết phận của một người bình thường, vẫn nỗ lực để tốt hơn mỗi ngày. Nhưng mình không làm thế để thành công hơn, giàu hơn, nổi tiếng hơn, mình giỏi hơn để giúp được nhiều người hơn, để có nhiều thứ có thể cho đi hơn. Như Phật dạy: “Chớ chê khinh điều thiện, cho rằng chưa đến mình, như nước nhỏ từng giọt, rồi bình cũng đầy tràn, người trí chứa đầy thiện, do chất chứa dần dần.”

Mình vẫn là một cô gái tuổi 20 đầy khiếm khuyết, vẫn làm bố mẹ tức điên lên vì phơi quần áo mà không giũ ra, nhưng mình đang học để bớt nặng nề chuyện được mất, bớt sân si chuyện đúng sai, bớt sợ hãi quá khứ vị lai để tập trung vào giây phút hiện tại.

Câu trả lời của mình là, mình không đi xem bói nữa, vì thực ra mình đã biết tướng số của mình là gì rồi.

Nó nằm trong lòng bàn tay mình,

do mình nắm giữ. 

an nhi

29/08/2020

 


Đọc thêm các chia sẻ của mình tại

ref: muôn kiếp nhân sinh, tự truyện của một yogi, lão tử tinh hoa, phật học tinh hoa

6 thoughts on “VÌ SAO MÌNH KHÔNG ĐI XEM BÓI NỮA?

  1. Cám ơn An Nhi chia sẻ tuyệt tác này, rất súc tích và very touching. Hy vọng An Nhi sẽ chia sẻ thêm khi có thể, cho phần sau: “… Nhưng mình không làm thế để thành công hơn, giàu hơn, nổi tiếng hơn, mình giỏi hơn để giúp được nhiều người hơn, để có nhiều thứ có thể cho đi hơn.” => Vậy chúng ta làm thế để làm gì? Cám ơn An Nhi. Khang.

    Like

    1. Cảm ơn bạn vì đã quan tâm đến những chia sẻ của mình. Mình nghĩ rằng sự thành công hay sự nổi tiếng có thể cho mình cảm giác hưng phấn và hạnh phúc nhất thời, nhưng nó không nên là đích đến cuối cùng của hành động, vì cảm giác hạnh phúc đó chỉ là nhất thời và khi nó qua đi rồi mình lại thấy hụt hẫng và lao vào tham vọng nhiều hơn cho đến khi mình không bao giờ biết đủ cả. Còn mình tin vào thuyết đó là chúng ta đã thác sinh muôn vạn kiếp nên bất kì ai bạn từng gặp trong kiếp này cũng đã từng là người thân ruột thịt mình ở một kiếp sống nào trước đó. Vì thế mình nỗ lực giúp đỡ mọi người chính là gieo nhân tốt lành, cũng là trả ơn sinh thành, nuôi nấng các kiếp trước để lại. Nếu mình hành động vì mục tiêu như thế, dù có thể có lúc mệt mỏi, nhưng tâm mình luôn an vui và thanh thản. Đó là thiển ý của mình, mong là được nghe nhiều nhận xét của bạn hơn.

      Liked by 2 people

  2. Chúng ta làm thế để làm gi ? Để : tự đo lường mình, tự giáo dục mình, tự rèn luyện mình, tự sửa đổi mình, tự tìm hiểu mình, tự phản tỉnh, tự hướng dẫn, tự ….. Tại sao ? Vì tôi rất tự cao, ích kỷ, tham lam, ngạo mạn, ngang ngược, mà lại tự ty, nhút nhát, lười biếng…

    Liked by 1 person

  3. Tôi là một người đàn ông 32 tuổi nên gọi em là em. Tôi thấy bài viết rất hay vì em chạm vào một câu hỏi rất quan trọng mà tôi từng hỏi. Đó là nếu tôi không dựa vào “…ham muốn, dục vọng thúc đẩy con người hành động. Lòng tham tạo ra những khí lực dồi dào, hung hăng khiến con người lao vào nhiều hoạt động để thỏa mãn sự đòi hỏi. Họ sẽ đi tìm những thứ bên ngoài, thu thập vơ vét, gom góp, tích trữ cho thật nhiều vì nghĩ rằng họ sẽ sung sướng hơn với những thứ vật chất đó…” thì tại sao tôi cần chăm chỉ làm việc ngày đêm? Không phải sự vất vả của lao động để sau đó tôi có thể hưởng thụ sao? Liệu có cách nào khác không?
    Khi tôi đọc “The Snowball: Warren Buffett and the Business of Life” tôi đã hơi mường tượng ra câu trả lời. Cho đến khi đọc “Flow” của Csikszentmihalyi thì tôi thực sự biết câu trả lời.
    Sau này khi đọc và hiểu một chút về Paul Tillich, tôi thực sự ko còn lo ngại hay thắc mắc nữa

    Liked by 1 person

Leave a comment