[REVIEW] 21 bài học cho thế kỷ 21 – Yuval Noah Harari

Do đó, bọn khủng bố giống một con ruồi cố phá hủy một tiệm đồ sứ. Con ruồi yếu đến nỗi không thể dịch chuyển dù chỉ một tách trà. Thế thì làm thế nào nó phá hủy dược tiệm đồ sứ đây? Nó kiếm một con bò mộng, chui vào tai bò và bắt đầu bay vo ve. Con bò phát rồ vì sợ hãi và tức giận, rồi phá tan tiệm đồ sứ.

21 bài học cho thế kỷ 21 – Yuval Noah Harari

Cũng giống như Sapiens Homo Deus, 21 bài học cho thế kỉ 21 bàn luận về những vấn đề rất phức tạp như công nghệ, tôn giáo, chính trị,… Nhưng cũng như Sapiens Homo Deus, Yuval Harari đã tận dụng khéo léo tài ví von dí dỏm của mình trong 21 bài học cho thế kỉ 21 để biến những thứ tưởng chừng như khó hiểu, trở nên vô cùng gần gũi.

Ở phần đầu mình sẽ tóm tắt những nội dung đáng chú ý (với mình) trong sách và sau đó đưa ra một chút cảm nghĩ của mình. Mục lục các chương như sau:

I. Thách thức công nghệ

II. Thách thức chính trị

III. Tuyệt vọng và hy vọng

IV. Sự thật

V. Bền bỉ

Let’s begin!

I. Thách thức công nghệ

Ngay từ Phần I, tác giả đã đối diện với một chủ đề đang vô cùng nóng bỏng – công nghệ. Chúng ta mải lo lắng về một ngày AI có thể có “ý thức” và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Nhưng thực tế là ngay bây giờ, khi bạn đang đọc bài viết này qua các công cụ tìm kiếm như Google, hay bạn biết đến mình qua các trang mạng xã hội như Facebook, bạn đã trở thành một phần của mạng lưới mua bán trao đổi thông tin cá nhân lớn nhất toàn cầu.

Như một câu hỏi nổi tiếng: “Nếu bạn không trả tiền để sử dụng sản phẩm, thì bạn chính là sản phẩm.

Câu nói này không áp dụng cho tất cả mọi dịch vụ miễn phí (ví dụ như Wikipedia) nhưng đặc biệt đúng với Google và Facebook. Cái đích cuối cùng của những ông lớn này không phải chỉ là đặt vài ba cái quảng cáo lên newsfeed của bạn, mà là phải giữ bạn ở trên trang lâu nhất có thể, thu thập được nhiều dữ liệu về bạn nhất có thể – bạn thích ăn gì, thích đi du lịch ở đâu, thậm chí bạn thích ai,… những dữ liệu này tạo ra giá trị khổng lồ gấp nhiều lần doanh thu quảng cáo. Bởi vì khi bạn tưởng rằng mình đang đưa ra quyết định thông minh khi chọn mua một sản phẩm này, thực ra quyết định đó là kết quả của những thuật toán đã được chuẩn bị dựa trên dữ liệu về chính bạn, để sao cho quảng cáo sản phẩm ấy xuất hiện tại đúng thời điểm, đúng vị trí, khiến bạn đưa ra quyết định mua ngay lập tức. Facebook có thể hiểu bạn hơn chính bạn.

Tác giả cũng chỉ ra rằng nếu chúng ta muốn hạn chế sự tập trung tài sản và quyền lực vào một nhóm siêu giàu (chiếm 1% dân số nhưng hơn nửa số của cải trên toàn thế giới) thì điều cần làm bây giờ là hạn chế quyền sở hữu dữ liệu của bọn họ.

II. Thách thức chính trị

Phần II bàn về chính trị – một chủ đề tưởng như khô khan và không liên quan gì đến chúng ta nhưng thực ra lại là những kiến thức giá trị đáng lẽ nên được dạy trong giờ lịch sử ở trường.

Các nền tảng mạng xã hội như Facebook và bây giờ là Tiktok đều hứa hẹn giúp thế giới trở nên gắn kết hơn thông qua quá trình “chia sẻ trải nghiệm“. Nhưng thực tế nó lại cổ xúy con người phải nhìn vào những gì mình trải nghiệm dưới sự đánh giá của người khác. Nếu như một bức ảnh đăng lên được ít likes – thì đó chứng tỏ là một trải nghiệm tệ, bất kể thực tế ra sao. Tương tự như vậy, nền văn minh thế giới từng khuyến khích giao thương, mở cửa, nay lại chứng kiến chủ nghĩa dân tộc lên ngôi, và chịu nhiều khủng hoảng liên miên. Và đó là tác giả còn chưa phải chứng kiến sự chia rẽ mà Covid-19 đã tạo ra, đặc biệt dưới thời lãnh đạo của Donald Trump.

Không giống như trước, ngày nay có rất nhiều vấn đề toàn cầu cũng cần câu trả lời mang tính toàn cầu. Cuộc đua vũ trang hạt nhân, thảm họa môi trường đến gần, và những thách thức khác về tôn giáo, nhập cư, không thể được giải quyết riêng lẻ, đòi hỏi chủ nghĩa dân tộc phải tạm thời được đặt sang bên cho một nghĩa cử lớn lao hơn.

Chúng ta như một cốc nước đầy mà chỉ cần một giọt nữa là sẽ tràn ly – một giọt nước ở đây có thể là sự gia tăng vượt ngưỡng của khí thải nhà kính, làm cho biến đổi khí hậu trở thành thảm họa cuối cùng của một hành tinh đang đi đến diệt vong. Điều cấp thiết nhất cần làm bây giờ chính là bắt đầu hành động ngay lập tức.

III. Tuyệt vọng và hy vọng

Phần III với tiêu đề Tuyệt vọng và hy vọng bàn về 5 bài học Chủ nghĩa khủng bố – Chiến tranh – Khiêm nhường – Chúa Chủ nghĩa thế tục.

Dù trên thế giới, báo đài làm ta sợ hãi khi nghĩ về khủng bố, nhưng tác giả ví von một tên khủng bố như một tay chơi bài đang bốc phải một bộ bài xấu, và phải cố gắng thuyết phụ đối thủ của mình chia lại bài. Hắn ta không có gì để mất, nhưng lại có thế thắng tất cả mọi thứ. Vậy nên cách tốt nhất là ta hãy lờ chúng đi.

Trong Chiến tranh, tác giả giải thích tại sao chúng ta cũng không cần lo sợ về khả năng chiến tranh sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Không phải vì trái đất đã trở thành một nơi tốt đẹp hơn, nơi loài người sinh sống hòa bình với nhau. Không phải. Thực ra tất cả vẫn xoay quanh hai chữ “lợi ích”. Sở dĩ trước kia chiến tranh xảy ra liên miên, là vì lịch sử đã có nhiều ví dụ xác đáng chứng minh rằng chiến tranh mang lại nhiều giá trị về kinh tế và quyền lực cho một quốc gia. Nhìn không đâu xa, người anh em láng giềng Trung Quốc, đã có mấy nghìn năm lịch sử các triều đại được dựng lên nhờ không ngừng phát động chiến tranh. (chỉ tiếc là anh vấp ngã ở Việt Nam hơi nhiều)

Nhưng đặt vào bối cảnh lịch sử cận đại, chiến tranh trở nên kém hấp dẫn vì phí tổn đắt đỏ mà lợi ích không được cao. Vì ngày nay, tài sản kinh tế chính không còn là đồng ruộng, những mỏ vàng, hay thậm chí là mỏ dầu nữa, mà là những trung tâm công nghệ cao, là những viện khoa học – mà thứ đó thì không thể chiếm được thông qua chiến tranh.

Không có mỏ silicon nào ở thung lũng Silicon cả.

Điều này cũng giải thích tại sao Trung Quốc giờ quay ra gửi con mình sang Mỹ để hưởng nền giáo dục Mỹ, cài cắm người vào các công ty phần mềm, công nghệ, viện khoa học để ăn cắp các công nghệ tiên tiến về áp dụng cho nước mình, thay vì đi chiếm đánh các nước lân cận.

IV. Sự thật

Phần IV có tiêu đề Sự thật, nói về cách tiếp cận phù hợp với thông tin trong thời kì hiện đại.

Ngày nay chúng ta tự quây quanh bản thân bởi những người có suy nghĩ giống ta. Nếu ta không đồng tình với người nào, ta có thể đơn giản là unfollow, hoặc thậm chí là block họ. Dần già chúng ta tự tạo ra một phòng dư âm (eco chamber) của những người bạn cùng tư tưởng, và những newsfeeds nói cùng những điều chúng ta tin, nơi niềm tin của ta không ngừng được củng cố và hiếm khi bị thách thức.

Vì vậy, ta càng phải thận trọng hơn khi nhìn vào những thông tin hiện trên newsfeeds của chúng ta hàng ngày. Bản năng của con người là làm bất cứ điều gì để hạn chế suy nghĩ, nên khi đối mặt với những song đề đạo đức phức tạp, ta sẽ lười biếng bằng bốn cách:

  • Một là đơn giản hóa sự thật – ví dụ như trong cuộc chiến giữa Palestine và Israel, ta coi Palestine và Israel là hai người, và trong đó sẽ có một người tốt, một kẻ xấu. Trong khi thực tế mỗi quốc gia đều có hàng triệu dân với những danh tính vô cùng khác nhau.
  • Hai là tạo ra một câu chuyện xúc động. Hãy để ý những dự án từ thiện thường sẽ thành công hơn nếu có thể kể được câu chuyện cá nhân, rất cụ thể, và đáng thương của một đối tượng duy nhất. Vì lòng thương cho một người thật việc thật vẫn dễ dàng khởi xướng hơn lòng thương cho một nhóm người xa lạ.
  • Ba là tạo ra các thuyết âm mưu.
  • Bốn là tạo ra giáo lý – đó có thể là giáo lý tôn giáo hoặc ý thức hệ và đi theo nó đến bất cứ nơi đâu. Điều này giải thích tại sao ngay trong thời đại khoa học tôn giáo vẫn phát triển, thậm chí còn mạnh mẽ hơn, vì nó có thể cho ta một chỗ trú ẩn khỏi thực tế phức tạp vô cùng.

Bên cạnh đó, Sapiens có thể coi là giống loài Hậu sự thật (Post-truth), vì không chỉ bị điều phối bởi giáo lý tôn giáo, ngay cả các tập đoàn cũng cố chi phối ta bằng những câu chuyện trộn lẫn giữa sự thật và hư cấu. Giống như khi nghĩ đến Coca cola ta sẽ nghĩ đến những cô cậu trẻ trung tham gia vào hoạt động thể thao, chứ không phải những bệnh nhân tiểu đường trên giường bệnh vậy.

Tóm lại, ta không nên vội lo lắng về cuộc chiến giữa con người với robots, mà phải lo sợ về cuộc chiến giữa những người siêu giàu sở hữu các thuật toán có thể bóp méo sự thật với phần lớn homo sapiens ở tầng lớp dưới.

Quy tắc là nếu muốn có những thông tin đáng tin cậy thì bạn nên trả tiền cho nó, và nếu gặp một vấn đề phức tạp, hãy đầu tư đọc các nghiên cứu khoa học về nó.

V. Bền bỉ

Phần V: Bền bỉ bàn về ba bài học Giáo dụcÝ nghĩa và – Thiền định

Đối với cá nhân mình đây là phần mình thích nhất trong năm phần (không phải vì nó ngắn đâu =)))

Bài học về Giáo dục nói lên nỗi lo của mọi ông bố bà mẹ khi không biết nên cho con mình học gì để bắt kịp được với xã hội hiện đại.

Các trường học đang cố nhồi nhét cho học sinh quá nhiều những kĩ năng được xác định sẵn như giải vài công thức toán, hay code C++. Nhưng vì ta không biết thế giới trong tương lai 5,10 năm sau khi ta đi làm sẽ thực sự như thế nào, những kĩ năng đó có thể trở nên vô nghĩa. Có thể đến khi ta học xong tiếng Trung thì Google dịch đã cải tiến đến mức có thể thực hiện một cuộc hội thoại hoàn hảo bằng tiếng Trung rồi.

Nói như vậy không có nghĩa là nói mọi người hãy bỏ học và ôm cây đợi thỏ, nhưng kiến thức thô không nên là tập trung duy nhất của giáo dục nữa. Thay vào đó ta nên đầu tư cả vào những kĩ năng vô cùng quan trọng là – tư duy phản biện, giao tiếp, khả năng hợp tác, và sự sáng tạo. Trên hết là khả năng đối diện với thay đổi, để học những thứ mới và giữ được sự bình tĩnh trong môi trường xa lạ. Để có thể bắt kịp với thế giới mới, chúng ta sẽ không chỉ đơn giản cần phát minh ra những ý tưởng, và sản phẩm mới mà còn cần không ngừng đối mới chính bản thân mình.

Chúng ta không thể chắc chắn về những thứ cụ thể, nhưng sự thay đổi là điều chắc chắn duy nhất.

“We cannot be sure of the specifics, but change itself is the only certainty.”

Vì vậy, thay vì dành nhiều thời gian đi xem bói với niềm tin rằng vũ trụ này tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống của mình, hãy tin rằng Tôi tạo ra ý nghĩa cho vũ trụ. Tôi không có một định mệnh định sẵn nào cả. Mọi thứ đều đang không ngừng thay đổi.

Cuối cùng tác giả chia sẻ trải nghiệm cá nhân, về việc thiền định đã giúp tác giả hiểu hơn về con người mình, tăng khả năng tập trung, và có cái nhìn khách quan hơn về những luồng thông tin không ngừng tấn công chúng ta mỗi ngày. Thiền – hay sự chú tâm vào hơi thở, không phải là một thực hành thuộc về tôn giáo nào, mà chỉ đơn giản là cách tu tập để giữ tâm trí lại, dùng hơi thở để điều khiển tâm trí, thay vì để tâm trí điều khiển ta. Nhìn vào sự thật – và chỉ thấy sự thật.

Lời kết

Không thể nói rằng mình đồng tình với tất cả mọi quan điểm của tác giả, nhưng đó chính là khoa học. Khoa học thì không có một kết quả đúng duy nhất và mãi mãi, nó đòi hỏi ta phải không ngừng tìm hiểu, học hỏi, thử nghiệm để chứng minh giả thuyết của mình là đúng. Có rất nhiều thứ chỉ thời gian mới có thể trả lời được chính xác.

Vậy mọi người có thể đặt ra câu hỏi: Thế thì đọc quyển sách này để làm gì?

Chúng ta không đọc để thấy một câu trả lời có sẵn, chúng ta đọc để bị kích thích, để đặt ra càng nhiều câu hỏi hơn.

Như một lời trích dẫn mình rất thích trong The color purple:

I think us here to wonder, myself. To wonder. To ask. And that in wondering about the big things, you learn about the little ones, almost by accident. But you never know nothing more about the big things than you start out with. The more I wonder, he say, the more I love.

“Anh nghĩ rằng chúng ta ở đây để tự hỏi. Để tự hỏi. Để hỏi. Và trong quá trình kiếm tìm câu trả lời về những điều lớn lao, ta học về những điều nhỏ bé hơn, một cách vô tình. Nhưng em sẽ không bao giờ biết được nhiều hơn về những thứ lớn lao đó. Khi càng muốn biết nhiều hơn, anh ấy nói, thì anh càng tràn ngập tình yêu.” (sorri mn mình dịch ngựa)

Nếu bạn cũng giống mình, từng bỏ dở cuốn sách này, nghĩ rằng nó không xứng đáng, hoặc bạn không có đủ thời gian, mong bạn hãy cho nó một cơ hội nữa nhé. Mình đã làm vậy, và giờ mình thấy may mắn vì mình đã làm thế.

Những chia sẻ trên đây chỉ là góc nhìn bé xíu như cái chấm của mình trong đại dương kiến thức vô tận, thật vui nếu mình được nghe chia sẻ của bạn nữa!

an nhi

21/06/2021


Đọc thêm các chia sẻ của mình tại:

One thought on “[REVIEW] 21 bài học cho thế kỷ 21 – Yuval Noah Harari

Leave a comment