HỌC 1000 TỪ MỚI TRONG 3 THÁNG?

Nếu bạn đang học từ vựng theo kiểu khám sức khỏe của người Việt Nam, đấy là khi nào thấy ốm mới đi khám, gần thi mới học, thì từ vựng sẽ mãi mãi là ác mộng của bạn, cũng như bệnh viện mãi mãi là ác mộng của người Việt.

Để học từ vựng hiệu quả thực ra đơn giản đến mức mình nói không ai tin, đấy là phải học như người Việt ăn cơm, NGÀY NÀO CŨNG ĂN, thỉnh thoảng có thể đổi món đi ăn phở, ăn hàng, nhưng cơm vẫn là món chính. Mỗi ngày không cần học quá nhiều, nhưng ngày nào cũng phải học. Đó là bản chất của học ngôn ngữ.

Bài viết này được chia làm 5 phần (có thể skip những phần bạn đã biết rồi nhưng nếu có thời gian hãy đọc đầy đủ cả bài vì nó được viết theo một flow riêng):

1/ Làm sao để học 1 biết 10? – phân tích cách nhân đôi tốc độ và lượng từ học được

2/ Tính ngữ cảnh của từ vựng – nhớ được cả những từ hack não nhất và DÙNG ĐƯỢC NÓ

3/ Học từ ở đâu? – Nguồn từ vựng tự nhiên và nên học

4/ Space Repetition và chiếc máy cày từ vựng – công cụ học từ vựng hiệu quả (đã qua kiểm chứng bởi mình =)))

5/ Thần chú để học từ vựng – cho bạn người đã biết tất cả những điều trên nhưng vẫn chưa học được từ vựng

시작!

  1. Làm sao để học 1 biết 10?
  • Từ vựng thường được ghép lại từ các gốc latin/gốc tiếng hán tùy vào ngôn ngữ đang xét để tạo thành nghĩa mới:
    • Tiếng anh: demo-graphic: demo: liên quan đến con người (như democracy: dân chủ) và graphic: hình ảnh phân tích số liệu –> nhân khẩu học
    • Tiếng hàn: gốc từ  : quốc gia => 한국 (hangug) : hàn quốc, 중국(chunggug): trung quốc
  • Tương tự với các dạng của từ:
    • nation(n): quốc gia => natio-nal(adj): thuộc về quốc gia, nation-ality(n): quốc tịch, nation-alist(n, person): người theo chủ nghĩa dân tộc

Như vậy khi học một từ, bạn đừng dừng lại ở từ đó không thôi, mà phải xem cả gốc từ là gì, những dạng khác của từ là gì, vì về bản chất nó vẫn chỉ là gốc từ đó cộng thêm các tiền tố hậu tố như –un là trái nghĩa, -tion là danh từ… mà thôi.

  1. Tính ngữ cảnh của từ vựng

Từ vựng không sinh ra để đứng một mình. Trừ phi bạn chỉ định học để nói bập bõm vài từ lúc đi du lịch thì học từ vựng “chết” chính là cách kém hiệu quả nhất trên đời này. Càng với từ càng khó thì càng nên cho nó vào ngữ cảnh để học, ngữ cảnh càng ngốc nghếch càng dễ nhớ càng tốt. Có 2 cách tạo ngữ cảnh:

  • Cách 1: Ngữ cảnh là câu chứa từ:

Ex: Don’t drink that water! It’s been contaminated  (Đừng uống nước đó, nó bị ô nhiễm đấy!)

    • Cách này sẽ giúp bạn nhớ được những từ cấp advance mà bạn ít khi NHỚ RA ĐỂ DÙNG HÀNG NGÀY (so với polluted)
    • Bạn cũng không cần học nhiều câu ngữ cảnh.

Ex: Today’s weather is hot. (Thay từ hot bằng cold, warm, cool, windy,… và thế là mình có 5 câu mới rồi.)

    • Để phân biệt sâu hơn các từ thì mình tùy biến thêm các vế sau:

Ex: Today’s weather is hot. I want to eat an icecream

Today’s weather is cold. Please wear warm clothes.

  • Cách 2: Tạo ra ngữ cảnh từ chính từ đó (áp dụng với những từ đặc biệt khó nhớ):
    • Tiếng hàn có từ 통화 중이다 (tonghoachungida): máy bận, mà mình học mãi không nhớ được vì từ quá dài nên mình bịa ra: máy bận- đường dây không thông qua được- tonghoa, đang nhiều người gọi chung với nhau – chung, bị bận là i =>  tonghoachungida

Comment một từ các bạn học mãi không nhớ được mình sẽ thử cách này cho  bạn nhé!

  1. Học từ ở đâu?

Bây giờ lên các group học IELTS, học tiếng anh có rất nhiều tổng hợp từ vựng hay nên học theo topic. Đây là một nguồn từ vựng  tốt nhưng mình thấy chỉ thích hợp học để ôn thi chứ không thích hợp để theo đuổi lâu dài vì học như thế nhàm chán và thiếu tự nhiên.

Cá nhân mình đã học từ vựng bằng cả quyển từ điển, học từ vựng bằng list 3000 essential words, học từ vựng bằng sách từ vựng, nhưng cách đã cho mình nhiều từ vựng nhất chính là đọc sách. Như mình đã nói ở trên ngữ cảnh rất quan trọng trong việc nhớ từ vựng. Nhiều bạn cứ nghĩ là phải đợi cao siêu lắm mới đọc được sách tiếng anh chứ mình cứ bắt đầu bừa, từ lớp 9 mình đã mày mò tải sách tiếng anh về đọc, cũng tra từ đến sấp mặt.  Nhưng nếu dễ dàng thì đã không cần  phải học đúng không?

Năm lớp 11, mình đã tăng 1000 từ mới trong 3 tháng chỉ thông qua đọc sách tiếng anh. Khi đọc mình note lại những từ mới gặp, từ nào được note 3 lần trở lên mình mới học vì như thế tức là đây là một từ phổ biến, mình tạo thành một danh sách từ và mỗi ngày mình học 10 từ. Cách này hơi mất thời gian nhưng sau 3 tháng mình vẫn tiếp tục đọc sách mà không cần note từ vựng quá nhiều nữa. Đến bây giờ mình đọc sách vẫn phải tra từ, nhưng thường đó là một từ chuyên ngành, ít gặp nên mình tra cho biết thôi.

Tương tự, từ vựng cho văn nói mình học qua xem youtube, xem phim, chứ mình không ngồi học chay một list từ vựng chết.

Túm lại, nếu bạn muốn học từ vựng để “dùng được”  và “nhớ lâu” thì nguồn mình highly recommend là sách, báo hoặc phim ảnh của người bản địa (native speakers), chứ đừng học từ bài mẫu của thầy Việt Nam vì chắc chắn sẽ bị thiếu tự nhiên mà thi xong là quên luôn.

  1. Space Repetition và chiếc máy cày từ vựng

Again, dù có học bằng những phương pháp trên nhưng 1 tháng mới mở từ mới ra học một lần thì cũng không có tác dụng gì cả. Cũng như người ăn xong lại đói, thì học từ vựng xong qua thời gian không dùng sẽ quên.

Trí nhớ con người tối đa hóa bằng cách cái gì thấy chỉ nhắc đến 1 lần hoặc quá lâu không dùng, nó sẽ đào thải đi để chỗ trống cho những thứ mình nghe đọc thường ngày. (Nên cả ngày chỉ lướt facebook thì từ vựng chỉ có trần đức bo thôi).

Space Repetition chính là cách học (BẤT CỨ CÁI GÌ) bằng cách lợi dụng đặc điểm đó của não bộ. Ví dụ mình sẽ quên 50% những gì mình mới đọc trong 1 ngày nếu không nhắc lại, 70% trong 3 ngày, 100% trong 1 tuần, thế thì mình sẽ học lại từ đó trước 1 ngày, trước 3 ngày, và trước  1 tuần. Mình phải đi trước não mình một bước, ăn trước khi đói, uống nước trước khi khát.

Công cụ cổ điển nhất của Space Repetion chính là Flashcard. Nhưng Flashcard cũng có nhiều công cụ khác nhau như Quizlet, Anki, và dạng nào mình cũng đã thử rồi nên mình xin được review để các bạn chọn cái phù hợp nhất với mình

Pros Cons
Quizlet Dễ dùng

Đồng bộ hóa qua tất cả các thiết bị và hệ điều hành

Nếu không upgrades thì bị giới hạn rất nhiều tính năng

Thuật toán thiếu linh hoạt

Anki Thuật toán cao cấp hơn Quizlet, thực sự hiệu quả để học từ vựng

Free đi kèm với rất nhiều tính năng: chèn ảnh, chèn âm thanh,  định dạng từ,…

Giao diện xấu, khó dùng, thời gian nhập lâu

Không đồng bộ với iOS

Google Sheet SIÊU DỄ DÙNG

Đồng bộ hóa qua tất cả thiết bị và hệ điều hành

Free đi kèm với rất nhiều tính năng

Thuật toán man-made =)))

Cho đến thời điểm hiện tại mình chỉ còn dùng Google sheet để học từ vựng vì nó kết hợp được ưu điểm của 2 apps trên mà thời gian nhập từ vựng lại nhanh.

vocab

Đây là sheet từ vựng tiếng hàn của mình. Sheet “12(31.5)” tức là từ vựng của bài 12 sách sơ cấp 1, ngày học tiếp theo 31/5. Cột A là từ tiếng Hàn, mình đổ màu trắng để kiểm tra. Cột B là giải nghĩa tiếng viêt, mình dùng 3 code màu: nhớ rõ – nhớ mang máng  — không nhớ gì cả . Khi review mình chỉ cần review lại những từ xanh lá hoặc vàng. Từ nào quá khó nhớ mình cho câu ví dụ bên cạnh. Mình thường review 5 lần sau 1 ngày – 2 ngày – 4 ngày – 7 ngày – 15 ngày tùy vào khả năng nhớ . Sau đó thường 1 tháng mình mới review lại. Google sheet rất flexible nên mình có thể dễ dàng customize nội dung học tùy ý. 

Thực ra sử dụng cách nào cũng được miễn là nó phù hợp với nhu cầu của bạn và bạn thấy vui khi dùng cách đó. Có bạn lại thích viết sổ. Mình cũng từng viết hết 3 quyển sổ toàn từ vựng, nhưng mà rất bất tiện khi mang theo người, mà mình thích cái gì cũng phải học được bằng điện thoại nên là mình chọn google sheet.

5. Thần chú học từ vựng

Có nhiều bạn đọc đến đây thì nhận ra là mình đã biết tất cả những điều trên rồi, nhưng vẫn không học được từ vựng. Câu thần chú mình dành cho các bạn chính là “What…for?” tức là “Tôi làm điều này để làm gì?”.

Đây là câu hỏi bạn phải hỏi bản thân trước khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới. Vì nếu như bạn chỉ học bừa mà không biết mình học để làm gì, thì kết cục thường thấy là chỉ cần một lí do nhỏ cũng làm bạn chán nản mà bỏ giữa chừng. 

Sự thật là không có đường tắt nào đến từ vựng cả, bác Hồ còn phải vừa làm bếp trên tàu đi Pháp vừa viết từ vựng lên tay để học đấy thôi. Nếu như bạn đã có một lý do để không thể không học từ vựng, vậy thì phải tìm cách học sao cho nhanh nhất, vui vẻ nhất. Đừng bao giờ nghĩ là mình bận lắm nên thôi để từ từ mấy tuần nữa, mấy tháng nữa, thi xong môn này mình sẽ học. Vì bận đến mấy thì bận chẳng lẽ một ngày bạn không có  nổi 5 phút để học 2 từ  mới? Lúc bận quá, mình vừa đi cầu thang vừa đọc sách, vừa nấu cơm vừa nghe audiobook tiếng anh, thậm chí còn tranh thủ thời gian đi vệ sinh học từ mới. 

Nhưng mình nghĩ rằng cũng không ai bận đến nỗi không kiếm ra thêm được 5-10 phút đọc từ vựng mỗi ngày cả, chỉ là mình đã đủ quyết tâm chưa mà thôi. Đặt mục tiêu rõ ràng cũng rất quan trọng. Ví dụ mục tiêu của mình là có thêm 1000 từ vựng mới trong 3 tháng để thi IELTS, thì mỗi ngày mình phải học 10 từ, hôm nào bận không học được thì hôm sau NHẤT ĐỊNH PHẢI học bù.

Cảm giác xem một bộ phim mà hiểu hết những lời nhân vật nói, đọc một quyển sách mà không cần mở đến từ điển, là động lực để mình cố gắng hơn mỗi ngày, là câu thần chú giúp mình vượt qua những lúc lười biếng.

Còn bạn thì sao? Động lực để học của bạn là gì?

Nếu đã có một lí do, sao bạn còn chưa cố gắng?

One thought on “HỌC 1000 TỪ MỚI TRONG 3 THÁNG?

Leave a comment